Chia sẻ thông tin

KenjiVN - Quốc Trưởng

Search This Blog

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Dân mạng hào hứng đấu tranh vì chủ quyền biển đảo trên Internet

- Treo ava, Like và Share hình ảnh,... liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa đang được cư dân mạng hưởng ứng mạnh mẽ.
- "Cuộc chiến" mua và giữ những tên miền trên internet có liên quan đến tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày một khó khăn.
Treo ava “Đỏ”, Like và Share hình ảnh, mua và giữ những tên miền trên Internet có liên quan đến tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa,… cộng đồng mạng đang có một cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo vô cùng sôi động trên Internet.

Từ những hoạt động bề nổi…

dan-mang-hao-hung-dau-tranh-vi-chu-quyen-bien-dao-tren-internet

Cuối năm 2007, khi nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên gọi hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Paracels - Sprarly) của Việt Nam là Tây Sa - Nam Sa (Xisha - Nansha) và sau đó lập ra chính quyền ngụy xưng Tam Sa (Sansha), cư dân mạng đã có phong trào thay đồng loạt avatar mang hình một chiến sĩ hải quân cầm súng với khẩu hiệu "Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam". Những avatar này làm đỏ rực các diễn đàn, mạng xã hội. Tất cả như là lời khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ cộng đồng mạng.

dan-mang-hao-hung-dau-tranh-vi-chu-quyen-bien-dao-tren-internet

Không dừng lại ở đây, cư dân mạng còn lên án mạnh mẽ những hiện tượng xấu xí” từ trong nước. Cuối tháng Bảy vừa qua, sự việc VNG “sơ suất” xóa tên Hoàng Sa, Trường Sa trên trang MP3 Zing của mình đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. VNG bị “ném gạch” không ngớt trên nhiều diễn đàn với lời lẽ bình thường lẫn quá khích. Tuy nhiên, nhiều thành viên cũng tỏ ra thông cảm với trang mạng này.

Thành viên winster_mek trên diễn đàn vOzforums cho biết: “Mình xem một số thớt (thread) thấy vài người ra đấu tranh cho Zing thì bị đập cho cái mác nhân viên VNG, ghét Tàu thì cũng nên có cái nhìn khách quan tí. Một cái vụ VNG mà lập cả đống thớt bêu xấu ném gạch thế có đáng không?”. Trước phản ứng của cư dân mạng, VNG đã nhanh chóng sửa chữa sơ suất này.

dan-mang-hao-hung-dau-tranh-vi-chu-quyen-bien-dao-tren-internet

Cũng trong thời điểm cuối tháng Bảy, cư dân mạng lại sục sôi với thông tin Biển Đà Nẵng bị giới thiệu là China Beach. Sự sôi sục này được khơi màu từ một bài báo mạng ở Việt Nam.

Nhiều bình luận chỉ trích các công ty du lịch sử dụng cái tên 
China Beach để chỉ bãi biển này đã xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội. Trên diễn đàn Vn-Zoom, thành viên polloll218 cho biết: “Không thể chấp nhận được, kỉ luật ngay công ty đó, close ngay trang web đó, làm sao có thể làm chuyện hồ đồ như vậy được”. Thế nhưng, nhiều thành viên khác cho rằng đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc.

Trên vOzforums, thành viên ductit cho biết: “Cái này là từ hồi Mỹ Ngụy đóng quân đã gọi thế. Coi mấy cái ảnh chụp hồi 67 cũng có chú thích là China Beach”. Được biết, trong thời kỳ chiến tranh, bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) từng được xây dựng như một khu nghỉ dưỡng của quân đội Mỹ. Người Mỹ khi đến đây đã đặt tên cho bãi biển Mỹ Khê là China Beach và những công ty du lịch kia đã...hơi sơ suất khi sử dụng lại cái tên này.

Bên cạnh phản đối mạnh mẽ những hoạt động sai trái, cộng đồng mạng cũng nhanh tay chia sẻ những thông tin mới nhất về chủ quyền biển đảo. Mới đây nhất, cuối tháng Bảy, khi có thông tin về tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, cư dân mạng đã “Share” nhiệt tình với bạn bè trong nước và quốc tế trên Facebook. Trên fanpage Việt Nam Sử Lược, hiện tấm bản đồ này đã có gần bốn nghìn lượt chia sẻ.
dan-mang-hao-hung-dau-tranh-vi-chu-quyen-bien-dao-tren-internet

Đến cuộc chiến “âm thầm”…

Diễn ra một cách lặng lẽ mấy năm qua, đó là “cuộc chiến” mua và giữ những tên miền trên Internet có liên quan đến tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa khỏi tầm tay của những kẻ đầu cơ. Giờ đây, cuộc chiến ấy ngày một trở nên gian nan hơn.

Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa, www.hoangsa.org, hiện đang nắm giữ 8 tên miền quốc tế có tên gọi đã phiên âm ra tiếng Anh của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Và hiện nay nhiều thành viên trên các diễn đàn của Trung Quốc đang tỏ ra “lo lắng” cũng như có ý “nhòm ngó” những tên miền quốc tế mà Việt Nam đang nắm giữ.

Là người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông,  nhà nghiên cứu Dương Danh Huy thường xuyên có những bài viết trên báo trong và ngoài nước để bảo vệ chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Kể từ năm 2008, ông cũng đã âm thầm mua những tên miền quốc tế có tên Xisha, Nansha, Sansha để chúng không rơi vào tay người nước ngoài. Hiện nay, theo nhà nghiên cứu Lê Vĩnh Trương, ông Huy đang giữ trong tay khoảng 30 tên miền như vậy và được ông bảo quản “rất cẩn thận”.
dan-mang-hao-hung-dau-tranh-vi-chu-quyen-bien-dao-tren-internet

Không chỉ các nhà nghiên cứu, một số cá nhân tổ chức khác vẫn đang âm thầm mua và giữ những tên miền có liên quan đến tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Anh Trần Duy Nguyễn (27 tuổi) người vừa mua tên miền Sanshacity cách đây không lâu cho biết: “Tên miền này (Sanshacity) không phải để bán, tôi giữ nó để bảo vệ chủ quyền đất nước”. “Tôi làm việc này với tư cách cá nhân vì không thể chấp nhận việc Trung Quốc đang làm”, anh Nguyễn cho biết thêm.

Mua đã khó, việc giữ tên miền lại càng gian nan hơn. Mới đây, sự việc công ty VinaHost tắc trách trong khi đóng phí gia hạn dẫn đến làm mất hai tên miền của anh Nguyễn Đắc Hưng đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng. Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt - Đại học Luật TPHCM và Quỹ Nghiên cứu biển Đông - việc để mất hai tên miền nói trên vào tay người ngoài là “rất đáng tiếc và đã gây thiệt hại về mặt kinh tế đối với người sở hữu các tên miền”.

Được biết, từ năm 2009, anh Nguyễn Đắc Hưng đã bắt đầu tìm mua các tên miền liên quan đến các quần đảo của Việt Nam với suy nghĩ “phải mua cho được trước khi Trung Quốc tiếp tục ngụy xưng trên mạng”. Hưng đã tìm được 5 tên miền quốc tế có tên gọi ngụy xưng Tây Sa (Xisha) và Tam Sa (Sansha).

Sau khi nắm giữ những tên miền này, lập tức đã có những email viết bằng tiếng Anh gửi đến cho Hưng mời chào bán lại với mức giá được tính bằng ngàn USD. Anh Hưng mua với giá khoảng 20 USD/1 tên miền và hằng năm phải đóng phí là 250.000 đồng/1 tên miền thông qua một công ty tên là VinaHost tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Tiếc thay, công ty này đã tắc trách khiến 2/5 tên miền mà Hưng đang nắm giữ bị mất vào tay người ngoài.

Theo nhà nghiên cứu Lê Vĩnh Trương - Quỹ Nghiên cứu biển Đông - việc nắm giữ các tên miền quốc tế đối với các quần đảo của Việt Nam cần được nhân rộng hơn nữa để mọi giới cùng thực hiện. Ông Trương cho rằng, cần có một tổ chức hoặc một cơ quan ngôn luận đứng ra tập trung các nguồn lực xã hội để tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền tổ quốc ngay từ trên mạng thông tin toàn cầu.
(Tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét